Các Thách thức trong Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng tại Việt Nam
Các Thách thức trong Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng tại Việt Nam
Đẩy mạnh công tác giao đất lâm nghiệp. Gần 20% diện tích đất lâm nghiệp (khoảng 2,5 triệu ha) vẫn chưa được giao mặc dù phần lớn diện tích này đã được quy hoạch cho các cộng đồng. Việc giao diện tích này cần được ưu tiên thực hiện.
Giảm mức độ kỹ thuật và độ phức tạp của tiến trình. Cuốn Sổ tay hướng dẫn Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng vẫn chưa được sử dụng thí điểm và chỉnh sửa hợp lý. Theo những ý kiến ban đầu, tài liệu này cùng những quy định trong đó vẫn còn quá phức tạp và nặng tính kỹ thuật, đặc biệt với các cấp địa phương.
Tăng cường tập trung vào các sản phẩm ngoài gỗ. Cuốn Sổ tay hướng dẫn Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng chủ yếu tập trung vào sản xuất gỗ mà chưa chú trọng đến các dịch vụ môi trường — yếu tố có vai trò ngày càng lớn cùng với sự ra đời của REDD+ — và lâm sản ngoài gỗ (ví dụ: song mây).
Xây dựng định hướng tập trung hỗ trợ người nghèo trong quản lý lâm nghiệp cộng đồng. Một số biện pháp bao gồm:
Giao đất lâm nghiệp có chất lượng tốt hơn
Phân bổ công bằng tài nguyên rừng tới các đối tượng nhận
Xây dựng cơ chế hỗ trợ người nghèo trong chia sẻ lợi ích
Minh bạch trong lập kế hoạch và ra quyết định
Xây dựng năng lực hỗ trợ người nghèo và hỗ trợ mở rộng
Tôn trọng luật tục địa phương. Luật tục địa phương trong quản lý rừng cần được các cán bộ chính quyền tôn trọng. Điều này có thể thực hiện được bằng cách áp dụng linh hoạt các chính sách của nhà nước tại những địa phương có luật tục và văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó, các quan chức địa phương cũng cần hiểu rằng lâm nghiệp khoa học không phải là phương thức duy nhất để quản lý rừng; người dân địa phương cũng có những kiến thức cần thiết về quản lý rừng.
Hỗ trợ tuyên truyền/phổ biến pháp luật đến người dân địa phương. Đây là một quá trình lâu dài, bắt đầu với việc cùng người dân xác định và ưu tiên các vấn đề chính. Sau đó tiến hành xây dựng những tài liệu hướng dẫn dễ hiểu dựa trên các văn bản pháp lý có liên quan đến những vấn đề đó. Các phương thức tuyên truyền khác nhau (ví dụ: đài, áp-phích, tranh ảnh, tờ rơi và tập huấn) được thực hiện sau đó sẽ nâng cao hiểu biết và nhận thức của tất cả người dân.