Cải cách Lâm nghiệp tại Việt Nam

Cải cách Lâm nghiệp tại Việt Nam

Vào thời điểm cuối cuộc Chiến tranh Việt Nam năm 1975, nhiều diện tích rừng rộng lớn của Việt Nam bị tàn phá bởi chất độc da cam và các loại thuốc diệt cỏ khác. Trong những thập kỷ sau đó, rừng bị khai thác quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh dân số tăng nhanh, nhưng phạm vi mất rừng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước. Đến năm 1990, tổng diện tích rừng đã giảm xuống còn 9 triệu ha, tương đương 30% diện tích đất tự nhiên. Hầu như tất cả diện tích rừng còn lại là rừng tự nhiên bị suy thoái hoặc rừng trồng. Diện tích rừng nguyên sinh chưa bị tác động chỉ còn lại 384.000 ha, che phủ chỉ hơn 1% diện tích đất tự nhiên.

 

Vào đầu những năm 1990, Việt Nam bắt đầu phân cấp quản lý ngành lâm nghiệp nhằm cải thiện tính hiệu quả, bền vững và mở rộng các cơ hội kinh tế cho những người dân sống phụ thuộc vào rừng. Các lâm trường quốc doanh từng kiểm soát 70% diện tích rừng của cả nước vào năm 1989 đã được giải thể và rừng được giao cho các tập thể quốc doanh, tư nhân và địa phương. Với các tổ chức địa phương, rừng phần lớn được giao đến các cá nhân, hộ gia đình và các nhóm hộ. Số lượng các cộng đồng được trao quyền quản lý rừng đến thời điểm này vẫn còn rất nhỏ.

 

Những kết quả tích cực

 

Theo ước tính hiện tại, rừng hỗ trợ sinh kế cho từ 24 đến 30 triệu người dân nông thôn Việt Nam, mà đa phần trong số họ là nông dân. Tại vùng cao, nơi đa phần người dân là người dân tộc thiểu số và tỷ lệ nghèo ở mức cao nhất, cuộc sống của người dân gần như phụ thuộc vào rừng bởi nó đóng góp đến 50% sinh kế của họ. Ngày nay, 25% đất lâm nghiệp của cả nước nằm trong tay người dân địa phương — chủ yếu là hộ gia đình — thông qua các quyền hưởng dụng dài hạn, trong đó có một diện tích nhỏ được dành riêng cho cộng đồng quản lý. Khoảng 2,5 triệu ha rừng (20% diện tích rừng của cả nước) vẫn đang chờ được giao và nhiều khả năng sẽ được quy hoạch cho lâm nghiệp cộng đồng.

 

Để bổ sung cho những cải cách thể chế ngành lâm nghiệp, một số sáng kiến lớn trong ngành lâm nghiệp cũng đã được thực hiện trong sản xuất và bảo vệ rừng. Những sáng kiến này bao gồm Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, kế hoạch toàn quốc về Chi trả Dịch vụ Môi trường và thúc đẩy các sáng kiến thương mại cho mô hình nông lâm kết hợp và sản xuất lâm nghiệp của chính quyền địa phương. Gần đây, chiến lược lâm nghiệp quốc gia của Việt Nam cũng đã chú ý nhiều hơn đến vai trò quan trọng của REDD+ và chứng chỉ rừng. Chủ yếu thông qua chương trình quốc gia về trồng mới rừng – chương trình trợ cấp các hoạt động phát triển trồng rừng, diện tích rừng tại Việt Nam đã tăng trong vòng 15 năm qua. Đến năm 2010, tổng diện tích rừng đạt gần 14 triệu ha, xấp xỉ 4,5 triệu ha nhiều hơn năm 1990. Nói theo cách khác, khoảng 43% diện tích đất tự nhiên vào thời điểm đó là diện tích có rừng. Trong khi đó, nhờ nền kinh tế phát triển bùng nổ, tỉ lệ nghèo trên toàn quốc đã giảm nhanh; số lượng người nghèo giảm từ 58% tổng dân số năm 1993 xuống 14,5 % vào năm 2008. Các chỉ số xã hội cũng không ngừng cải thiện.

 

Những vấn đề cần cải thiện

 

Nhìn một cách khái quát, những cải cách của Việt Nam trong ngành lâm nghiệp dường như đang đi rất đúng hướng, nhưng đằng sau những kết quả ấn tượng này là một số xu hướng đáng lo ngại. Diện tích rừng tăng phần lớn là kết quả của nỗ lực phát triển trồng rừng. Nhưng song song với nó, số lượng nhỏ các khu vực rừng nguyên sinh còn lại đã bị suy giảm hoặc bị tàn phá. 384.000 ha rừng nguyên sinh chưa bị tác động năm 1990 chỉ còn lại 80.000 ha vào thời điểm này, che phủ 0,25% tổng diện tích đất tự nhiên.

 

Đa phần được quản lý bởi các Ban Quản lý Khu bảo tồn và các công ty quốc doanh, những khu rừng nguyên sinh này bị suy thoái do quản lý yếu kém, do khai thác gỗ trái phép và do chuyển đổi mục đích sang canh tác. Các chi phí môi trường và đa dạng sinh học để khắc phục hiện trạng suy thoái rừng là rất lớn. Hơn nữa, sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam phần nhiều không đem lại lợi ích cho các cộng đồng dân tộc thiểu số bởi họ sống ở vùng cao và phụ thuộc vào rừng. Hơn 60% các hộ gia đình dân tộc thiểu số vẫn sống dưới mức nghèo. Đến nay, các cải cách trong lâm nghiệp vẫn chưa đóng góp được như kỳ vọng vào công tác giảm nghèo, đặc biệt tại các khu vực nông thôn. Công việc giao rừng được tiến hành chậm, không theo kế hoạch và bị cản trở do các văn bản hướng dẫn phức tạp, khó hiểu và sự phối hợp kém của các bên liên quan.

 

Tại rất nhiều quốc gia khác trong khu vực, rừng thường bị suy thoái nghiêm trọng, thậm chí trở thành đất cằn cỗi, sau khi được giao quản lý cho người dân địa phương. Ngoài ngành lâm nghiệp, người dân nông thôn còn gặp khó khăn về cơ sở hạ tầng yếu kém, khó khăn trong tiếp cận thị trường và thiếu phương thức canh tác hiện đại. Trong khi hiện tại rất nhiều hộ gia đình và cá nhân đã có quyền sử dụng đất lâm nghiệp, quản lý cộng đồng càng khó để có thể thực hiện. Đến năm 2003, việc trao quyền cho các cộng đồng mới chỉ dừng lại ở cơ sở dự án. Luật Lâm nghiệp sửa đổi năm 2004 đã thay đổi thực tế này và công nhận tính pháp lý của các thôn bản trong quản lý rừng. Không lâu sau đó, một chương trình thí điểm của chính phủ đã thử nghiệm các cách tiếp cận hệ thống quốc gia về Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng. Quản lý Lâm nghiệp Cộng đồng tại Việt Nam chắc chắn vẫn trong ở giai đoạn đầu. Nếu Việt Nam thực hiện được quản lý rừng bền vững và đảm bảo tương lai cho những cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, cải thiện và mở rộng chương trình này sẽ là một yếu tố cần thiết.